Lượng chất thải rắn phát sinh từ đô thị và sản xuất công nghiệp sẽ ngày càng tăng trong những năm tới. Trong đó, lượng chất thải nguy hiểm chiếm tới 25%.
Chiều 7/8, Bộ Tài nguyên Môi trường công bố Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011 với chủ đề về chất thải rắn. Báo cáo chỉ rõ, thực trạng chất thải rắn phát sinh ở các khu đô thị, khu công nghiệp và cả ở vùng nông thôn ngày càng gia tăng và phức tạp, lượng phát sinh trung bình khoảng 10% mỗi năm.
Theo nguồn gốc phát sinh, 46% chất thải rắn từ đô thị, 17% từ sản xuất công nghiệp, còn lại là từ nông thôn, làng nghề và y tế. Dự báo, đến năm 2015, tỷ trọng này sẽ còn tiếp tục tăng lên tương ứng với con số 51% và 22%, lượng chất thải nguy hại chiếm từ 18-25% lượng chất thải rắn phát sinh tại mỗi khu vực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, thu gom và xử lý chất thải rắn là bài toán khó. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Dù báo cáo chỉ ra mặt tốt là công tác quản lý chất thải rắn đã từng bước thay đổi với tỷ lệ thu gom hiện tăng đáng kể song, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn thực tế. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất khoảng 80 - 82% nhưng phần lớn chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn và vận chuyển đến bãi chôn lấp. Việc tái chế, xử lý chưa khoa học, còn manh mún...
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, hàng năm, Bộ xây dựng báo cáo môi trường theo chuyên đề và 5 năm một lần xây dựng báo cáo tổng quan môi trường quốc gia. Đây là một trong những cơ sở để xem xét các tác động giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, kịp thời điều chỉnh kế hoạch phát triển nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
"Thực tiễn cho thấy, vấn đề chất thải rắn như chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, xây dựng... đang rất đáng lo ngại. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu huỷ chất thải rắn đã và đang trở thành bài toán khó đối với các nhà quản lý tại hầu hết các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam", ông Quang nói.
Người đứng đầu ngành tài nguyên, môi trường cho rằng, việc đánh giá, phân tích các vấn đề có liên quan đến chất thải rắn và công tác quản lý sẽ trợ giúp cho việc điều chỉnh và bổ sung các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống.
Nguyễn Hưng
Hotline
Hotline