Chủ nguồn thải, cơ sở dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại... sẽ phải đăng ký, cấp phép và chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý chức năng. Đó là nội dung buổi tập huấn hôm nay do Sở Tài nguyên môi trường TP HCM phối hợp với chuyên gia dự án VIE-1702 của Liên Hợp Quốc tổ chức.
Các cơ quan quản lý vệ sinh môi trường quận huyện của thành phố sẽ thực hiện chức năng giám sát dòng luân chuyển chất thải rắn, chất thải nguy hại từ khâu phát sinh đến xử lý cuối cùng. Cơ quan này cũng sẽ đánh giá tác động của chất thải nguy hại đến môi trường và nếu cần, sẽ áp dụng biện pháp xử phạt đơn vị vi phạm theo quy định tại Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996. Các đơn vị vi phạm nghiêm trọng có thể sẽ bị rút giấy phép hoạt động hoặc xử phạt nặng.
Ông Eirik Wormstrand, chuyên gia dự án VIE-1702, cho biết: "Có khoảng 45 chất thải được xem là nguy hại hiện nay. Trong đó 18 loại là dòng chất thải như chất thải bệnh viện, dầu khoáng, các chất PCB; 27 loại chất thải có chứa các thành phần được xác định rõ là nguy hại như thủy ngân, chì, amiăng, xyanua hữu cơ, các dung môi...".
Theo ông W.Eirik, qua khảo sát các ngành công nghiệp tại TP HCM, những ngành nghề đang hình thành lượng chất thải nguy hại nhiều nhất là mạ điện/mạ kẽm, nhà máy điện chạy bằng dầu, giấy, dệt, da và máy biến thế.
Trưởng Phòng quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên môi trường, tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, cũng cho rằng nguồn phát thải chất thải rắn, chất thải nguy hại hiện nay chủ yếu là từ khu vực sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những biện pháp giám sát, chế tài cụ thể các ngành nghề sản xuất công nghiệp trong việc phát thải chất thải nguy hại.
Với hơn 1.000 nhà máy sản xuất công nghiệp quy mô lớn và gần 23.000 cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, mỗi ngày thành phố thải ra hơn 1.000 tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 150 - 200 tấn là chất thải nguy hại. Lượng chất thải nguy hại này ngày càng tăng nên càng cần có biện pháp quy hoạch quản lý, giám sát chặt chẽ.
Phan Anh
Hotline
Hotline